HẠNH PHÚC LÀ CON ĐƯỜNG

Quan điểm về hạnh phúc của thế gian là khi mình có tiền tài, danh vọng, quyền lực, sắc dục là có hạnh phúc. Phần lớn chúng ta đều nghĩ như vậy, và chúng ta đã đi tìm hạnh phúc ở cái hướng đó. Có tiền thì có thể mua sắm được. Có nhiều người nói mua được cái ti vi lớn đó, cái xe hơi đó, thì là hạnh phúc. Bây giờ mình chưa có cái ti vi đó, chưa có cái xe hơi đó, và mình nghĩ rằng: mua được cái xe hơi đó, mua được cái ti vi đó là mình có hạnh phúc. Mình tiên đoán hạnh phúc sẽ có được khi mình mua được chiếc xe đó, mua được cái ti vi đó. Đứng về phương diện danh vọng, mình nghĩ là nếu mình được bầu làm Tổng Thống, bầu làm Dân Biểu Quốc Hội, hay mình giật được cái bằng cấp tiến sĩ..., thì lúc đó mình mới có hạnh phúc, còn bây giờ mình chưa có hạnh phúc. Hạnh phúc là khi nào mình giật được mảnh bằng đó, mình được bầu vào chức vụ đó, thì mình có hạnh phúc. Chúng ta đang đứng ở chỗ không có hạnh phúc, và tiên đoán rằng sẽ có hạnh phúc khi mà chúng ta được cái đó. Trước hết là chuyện mua sắm, thứ hai là chuyện danh vọng. Nếu chúng ta quán chiếu và nghiên cứu để kiểm chứng lại sự thật đó, thì chúng ta thấy rằng : một tuần hay hai tuần sau khi mua xe hơi, thì cái hạnh phúc đó không còn nữa. Một năm hay sáu tháng sau khi có chức vụ đó, hay là có bằng cấp đó, thì ta không còn cảm thấy hạnh phúc nữa. Những người nào đã đậu bằng tiến sĩ, nên nghĩ lại là trước khi mình có cái bằng tiến sĩ đó, mình ước ao nó như thế nào : 'Nếu mình không có bằng tiến sĩ chắc là mình chết quá, mình sẽ không có hạnh phúc.' Nhưng khi có cái bằng đó rồi, thì tự hỏi mình hạnh phúc được mấy ngày, được mấy tuần hay mấy tháng ? Sự thật là mình chỉ sử dụng cái điều kiện hạnh phúc đó trong một thời gian rất là ngắn, sau đó sự kiện đó nó lờn và không đủ sức làm cho mình có hạnh phúc nữa. Có hạnh phúc thiệt đó, nhưng trong một thời gian ngắn thôi. Cấu trúc của cơ thể và của tâm lý có công năng biến những cái đó ra bình thường, không còn có tính cách kích động nữa. Cho nên cái điều kiện ban đầu mình cho là hạnh phúc, khi mình đạt được rồi, thì chỉ trong một thời gian ngắn nó sẽ lờn đi, nó không còn có cái hấp dẫn lực nữa và không còn cho mình hạnh phúc nữa. Mỗi khi mình có điều kiện hạnh phúc đó rồi, ví dụ như là một cái danh vọng, một cái bằng cấp, một cái địa vị, hay là một số tiền lớn, mình vẫn tiếp tục đau khổ như thường. Những cái đó ban đầu cho mình những cái 'exiting', nhưng sau đó thân và tâm mình chấp nhận và biến nó thành ra bình thường, và nó hết trở thành một điều kiện của hạnh phúc. Đó là sự thật. Nếu chúng ta không biết được cái gì làm cho chúng ta có hạnh phúc trong giây phút hiện tại, thì làm sao ta biết được những cái gì làm cho ta hạnh phúc trong tương lai ? Phải hỏi câu hỏi đó. Thành ra, mỗi chúng ta sẽ đặt câu hỏi trong giây phút hiện tại này, cái gì sẽ làm cho ta hạnh phúc. Đó là câu hỏi rất là thiết yếu. Mà cái gì đó có thể có thật hay không ? Có được liền hay không ? Nếu chúng ta không nhận diện được điều kiện có thể làm cho ta có hạnh phúc trong giây phút hiện tại, thì làm sao ta có thể tiên đoán được cái mà làm cho ta có hạnh phúc trong tương lai. Hạnh phúc không phải là cái gì trong tương lai, hạnh phúc không phải là con đường, hạnh phúc không phải là cái gì có ở cuối đường nữa, mà hạnh phúc nằm ngay trên mỗi bước chân trên con đường. Nếu biết được cái gì có thể làm cho mình hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, thì mình có hạnh phúc liền. Không cần ngồi đó mà đau khổ, mà tiên đoán thời tiết là sau này ta sẽ có hạnh phúc nếu ta có cái này, cái kia.
Hạnh phúc trước hết là một cảm thọ, gọi là lạc thọ, pleasant feeling. Nhưng lạc thọ chưa hẳn là hạnh phúc. Khi nhìn các em bé đang nô đùa một cách rất vô tư, không luyến tiếc quá khứ, không lo lắng tương lai, chúng ta thấy các em như là đang ở trong thiên đường. Đó là hạnh phúc. Nhưng không biết các em có biết là các em đang có hạnh phúc hay không ? Đang nô đùa, đang rong chơi, không lo lắng, chưa hẳn đó là hạnh phúc. Mình không biết là mình đang có hạnh phúc, thì cái hạnh phúc đó chưa hẳn là hạnh phúc chân thật. Có nhiều người đang sống trong những điều kiện rất thuận lợi, không có vấn đề, không có lo lắng, không có sầu khổ, đáng lý ra là những người đó có hạnh phúc. Cho nên sống trong những điều kiện thuận lợi coi như chưa phải là hạnh phúc.Chúng ta có thể định nghĩa hạnh phúc là ý thức mình đang có về lạc thọ. Lạc thọ chưa phải là hạnh phúc, mà ý thức rằng mình đang có lạc thọ thì mới thật là hạnh phúc. Những em bé đang nô đùa trong thiên đường, các em không biết là các em đang có hạnh phúc. Chỉ khi nào các em lớn lên và mất cái thiên đường đó rồi, các em mới biết rằng mình đã từng có hạnh phúc.
Yếu tố chánh niệm là yếu tố căn bản. Nếu mình hạnh phúc mà không biết rằng mình đang hạnh phúc thì cái đó chưa phải là hạnh phúc. Mình có thể tạm đưa ra một định nghĩa về hạnh phúc, tức là ý thức được rằng mình đang có một lạc thọ. Nhưng định nghĩa đó chưa có tuyệt đối, tại vì có thể mình đang không có lạc thọ, nhưng mình vẫn có hạnh phúc như thường. Ví dụ mình đang khuân vác một cái gì đó nặng, nhưng nghĩ rằng khuân vác như vậy đem lại hạnh phúc cho tăng thân, cho người thương của mình, thì trong khi đang khuân vác nặng nề như vậy mình cũng có thể có hạnh phúc. Cảm thọ lúc đó không hẳn là lạc thọ, nhưng vì ý thức được mình đang làm một việc có ý nghĩa, do tình thương xúc tác, thì lúc đó trong tâm phát sinh một lạc thọ, lạc thọ đó có thể đi đôi với khổ thọ . Định nghĩa 'hạnh phúc là một lạc thọ' là một định nghĩa quá hẹp hòi, đơn giản. Tâm mình đóng một vai trò rất quan trọng. Tâm mình không phải chỉ là lạc thọ hay chỉ là cảm thọ thôi.

Khổ đau và Hạnh phúc
Khổ đóng một vai trò rất là quan trọng để tạo ra lạc. Nếu không có khổ thì không có lạc. Ví dụ khi chúng ta không có đói, không biết đói là gì, thì chúng ta không được cái hạnh phúc của sự ăn ngon. Khi chúng ta không biết lạnh là gì, thì chúng ta không biết được hạnh phúc của sự ấm áp. Hạnh phúc là cái gì chỉ có thể nhận diện được trên bối cảnh của khổ đau mà thôi. Bối cảnh, tiếng Anh là background. Cũng như khi chúng ta đang ở ngoài trời lạnh buốt mà chúng ta mở cửa đi vào trong nhà, chúng ta cảm thấy ấm quá, dễ chịu quá, hạnh phúc quá, thì cái hạnh phúc khi bước vào nhà là do cái đau khổ bị chịu lạnh ở ngoài trời. Nếu chúng ta ở trong nhà độ chừng mười phút hoặc mười lăm phút, thì chúng ta quên đi cảm giác đó, chúng ta không thấy hạnh phúc nữa. Chúng ta phải ra ngoài để thấy lạnh rồi đi vô mới thấy hạnh phúc lại.Chúng ta phải nhờ có khổ đau thì chúng ta mới nhận diện được hạnh phúc. Đó là cái contrast, cái tương đãi, cũng như là ánh sáng và bóng tối. Hạnh phúc tùy thuộc ở khổ đau. Muốn loại trừ khổ đau ra để chỉ có hạnh phúc thôi là một ý niệm rất là ngây thơ, khờ dại. Sự thật nếu ta không biết khổ đau là gì thì ta cũng không biết hạnh phúc là gì. Thiên Đường cũng vậy. Chúng ta không nên gởi con cháu của chúng ta tới những nơi không có khổ đau, nếu con cháu chúng ta tới những nơi không có khổ đau thì chúng nó sẽ không biết gì là hạnh phúc. Không có khổ đau thì làm sao mình tập hiểu và tập thương được ! Nếu không có chất liệu hiểu và thương thì đố mà anh có hạnh phúc được. Chỉ khi nào trong trái tim anh có chất liệu hiểu và thương thì anh mới có hạnh phúc. Nếu không có khổ đau, thì làm sao anh biết hiểu và làm sao anh biết thương. Hiểu cái gì? Thương cái gì? Do đó định nghĩa về Thiên Đường hay Cực Lạc là chỗ không có khổ đau là một định nghĩa rất ngây thơ. Hạnh phúc là một cái gì chỉ nhận diện được khi có đau khổ. Hạnh phúc chỉ nhận diện được trên cái bối cảnh khổ đau mà thôi. Cũng như cái ấm được nhận diện trên bối cảnh của cái lạnh; cái no được nhận diện trên bối cảnh của cái đói. Chạy trốn khổ đau là một thái độ không phù hợp với tinh thần của giáo lý đạo Bụt. Chúng ta phải đối diện khổ đau, phải nhìn vào khổ đau, hành động đó giúp chúng ta nhận diện được thế nào là hạnh phúc.Hạnh phúc nằm ở trong tâm mà không phải ở hoàn cảnh. Thường thường mình hay nghĩ tới hạnh phúc trong cái văn mạch của sự mua sắm. Có cái xe hơi đó, có cái nhà đó, có cái bằng cấp đó, thì có hạnh phúc; có được tiền để đi du lịch là có hạnh phúc. Tất cả những cái mình nghĩ tới hạnh phúc như là một điều kiện ngoại tài, điều kiện đi tìm ở ngoài, trong khi hạnh phúc tùy thuộc vào tâm của mình rất nhiều. Chúng ta chỉ cần trở về trong giây phút hiện tại để nhận diện những điều kiện hạnh phúc thì ta có hạnh phúc liền. Giáo lý Hiện Pháp Lạc Trú nói rất rõ ràng là hạnh phúc có thể có được trong giây phút hiện tại, đó là một sự xác quyết của đức Như Lai. Đức Như Lai nói rằng mình có thể sống hạnh phúc được trong giây phút hiện tại. Chúng ta cần những gì, những điều kiện nào để có thể hạnh phúc ngay trong giây phúc hiện tại? Trở về với giây phút hiện tại, tiếp xúc với những điều kiện hạnh phúc đã có và đang có.
Hỷ là niềm vui và Lạc là hạnh phúc. Đức Thế Tôn muốn chúng ta có Hỷ và có Lạc trong đời sống hàng ngày. Nếu không có Hỷ và có Lạc thì sự thực tập của ta không được nuôi dưỡng và ta không có đi xa được. Đức Thế Tôn nói là có những phương pháp thực tập để giúp ta có Hỷ và có Lạc trong đời sống hàng ngày.
Trước hết là ly. Ly tức là buông bỏ. Mình phải biết buông bỏ thì mới có Hỷ và Lạc được. Buông bỏ cái gì đây? Có những cái trong tâm cần phải buông bỏ: những giận hờn, những tiếc nuối, những cố chấp, những thành kiến.
Ly sanh hỷ lạc, tức là sự buông bỏ đưa tới Hỷ và Lạc. Quý vị nghĩ rằng nếu mình không được người đó thương thì mình không có hạnh phúc, người đó phải thương mình thì mình mới có hạnh phúc được. Điều kiện đó chưa có, thành ra mình phải đợi người đó thương mình, rồi mình mới có hạnh phúc được, thì cái đó là một cái kẹt, cái đó cần phải buông bỏ. Tại sao phải có người đó thương mình mới có hạnh phúc? Tại sao phải cột hạnh phúc của mình vào một điều kiện mà mình chưa có? Tại sao hạnh phúc đang tới từ muôn phương thì mình đóng cửa lại hết, mà mình chỉ ngồi đó trông cầu một cái mình chưa có? Đó là phóng tâm về tương lai, đòi hỏi những cái khác, trong khi điều kiện hạnh phúc mình có sẵn mà không biết thừa hưởng. Đó là những cái phải buông bỏ. Có những cái ta nghĩ rằng rất cần thiết cho hạnh phúc của ta, và ta cứ tiếp tục nắm giữ. Có thể chính vì những cái ta đang nắm giữ mà ta không có hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ có thể có được khi mình biết buông bỏ. Buông bỏ những tiếc nuối của mình, nhất là buông bỏ những ý niệm của mình, những ý niệm về mình và về người kia. Những ý niệm đó làm cho mình khổ mà cũng làm cho người kia khổ. Mình có sự phán xét về mình, mình có sự phán xét về người kia; mình cho mình là cao, hoặc mình cho mình là thấp, mình cho mình là đẹp, hoặc mình cho mình là xấu, mình cho người kia là đẹp,
người kia là xấu, người kia là tốt, người kia là khó chịu, người kia là dễ chịu, tất cả những ý niệm đó đều có thể làm cho mình khổ đau. Thành ra buông bỏ những ý niệm đó rất là quan trọng, không có tốn một đồng nào hết. Buông bỏ là một phương pháp rất là mầu nhiệm, nó đem tới hạnh phúc liền lập tức.
Niệm Sinh Hỷ Lạc
Niệm sinh hỷ lạc là một phương pháp khác. Niệm tức là ý thức. Ví dụ khi mình uống một ly trà hay một ly sữa đậu nành, nếu mình biết rằng mình đang có ly trà hay một ly sữa đậu nành để uống trong giờ phút này thì mình có hạnh phúc lớn, đó là niệm. Niệm là có mặt, có mặt đích thực. Niệm tức là ý thức được cái gì đang xảy ra. Trong khi có niệm thì mình nhận diện được những điều kiện của hạnh phúc, cái đó gọi là niệm sinh hỷ lạc. Ý thức rằng mình đang có tuổi trẻ, mình đang có cơ hội để tu học, mình đang ở trong tăng thân, mình có những điều kiện để tu tập, thì cái ý thức đó là niệm. Khi mà không biết, không có ý thức tức là quên, là thất niệm. Niệm đưa lại hạnh phúc liền lập tức. Ý thức rằng người thương của mình đang còn đó, ngồi trước mặt mình, thì tự nhiên mình có hạnh phúc. Ý thức rằng mình còn hai mắt sáng, mở mắt ra thì thấy trời xanh mây trắng, đó là niệm. Ý thức rằng mỗi ngày có cơ hội thực tập thiền đi là hạnh phúc. Có vô số những điều kiện hạnh phúc đang có mặt mà mình chỉ cần thực tập chánh niệm là trở về được giây phút hiện tại và tiếp xúc với những điều kiện hạnh phúc. Niệm là một nguồn suối của hạnh phúc, niệm sinh hỷ lạc. Từ niệm mà hỷ và lạc phát sanh. Mình rất là giàu có. Mình thật sự là những đứa con rất giàu có nhưng mình hành xử như những đứa cùng tử than nghèo. 'Trời ơi! Tại sao tôi không có hạnh phúc gì hết, tôi chỉ có khổ đau mà thôi.
Định Sinh Hỷ Lạc
Định có nghĩa là chuyên chú, là tập trung tâm ý. Niệm đã đem lại hỷ lạc rồi, còn định làm cho niềm vui và hạnh phúc sâu sắc hơn. Trong niệm có định. Càng thực tập niệm thì định càng lớn. Định này làm cho mình tập trung được, làm cho mình chuyên chú được vào đối tượng, và đối tượng đó có thể đem lại rất nhiều hạnh phúc. Ví dụ như là hơi thở của mình. Trong khi mình ngồi thở, trong khi mình đi thiền, trong khi mình ngồi thiền, trong khi mình nấu cơm, giặt áo, niệm về hơi thở đưa lại hạnh phúc, và định về hơi thở làm cho hạnh phúc sâu sắc hơn. Định càng lớn thì hạnh phúc càng lớn. Khi chúng ta có năng lượng của niệm và định hùng hậu thì chúng ta sẽ có tuệ. Tuệ tức là cái thấy, cái hiểu. Nhờ cái thấy này, cái hiểu này mà đem lại hạnh phúc rất là nhiều. Tuệ có khả năng giải tỏa những hiểu lầm, những khổ đau, những kiến chấp. Khi có niệm, có định, có tuệ thì mình thấy được sự thật, cho nên mình giải tỏa được những thành kiến, những u mê, và mình có hạnh phúc. Ví dụ giữa mình với người thương của mình có sự hiểu lầm. Người thương hiểu lầm mình, và mình hiểu lầm người thương vì những tri giác sai lầm. Nhờ niệm và tuệ mình thấy được sự thật, nhờ vậy mình lấy đi sự hiểu lầm đó, thì tự nhiên giữa mình và người mình thương có hạnh phúc thôi, cho nên tuệ sinh hỷ lạc. Trí tuệ là nguồn suối của hỷ và lạc, cho nên người nào cũng phải thực tập.
Giới Sinh Hỷ Lạc
Giới tức là thực tập chánh niệm, mindfulness training. Giới bảo hộ cho mình. Giới là do niệm sinh ra. Nhờ có chánh niệm cho nên ta biết những đau khổ được sinh ra vì ta không chịu giữ giới, cho nên giới tương đương với niệm. Khi giữ giới, mình bảo hộ cho mình, và bảo hộ cho người thương của mình, bảo hộ cho hoàn cảnh gia đình, vì vậy cho nên hạnh phúc có được, niềm vui có được. Giới cũng sanh ra hỷ và lạc.
Nhu Yếu Hiểu Và Thương
Trong con người của mình có hai nhu yếu, và khi hai nhu yếu đó được thỏa mãn thì mình có rất nhiều hỷ và nhiều lạc. Cái nhu yếu thứ nhất là hiểu. Hiểu tức là tuệ. Hạt giống tuệ ở trong mình đòi hỏi mình phải làm thỏa mãn nó, mình khao khát hiểu biết (curiosity), bởi vì sự sống là một mầu nhiệm. Chính cái thân của mình cũng là một mầu nhiệm. Tâm của chúng ta cũng là những mầu nhiệm rất lớn. Đạo Bụt là một khoa học nghiên cứu về tâm, gọi là tâm học. Chúng ta tu, chúng ta cũng có cái nhu yếu muốn hiểu, muốn có cái hiểu biết sâu sắc về thực tại. Chúng ta muốn hiểu biết về năm uẩn của chúng ta, và sự hiểu biết về năm uẩn đó sẽ đưa lại sự thỏa mãn, có thể làm tiêu tán những u mê sai lầm của chúng ta về năm uẩn, những cái u mê đã từng gây ra những khổ đau cho mình và cho người khác. Vì vậy cho nên cái hiểu này không phải là cái hiểu suông, cái hiểu này có tính cách chuyển hóa, giải phóng, giải thoát, cái hiểu đó gọi là prajna (bát nhã), là trí tuệ, đó là nhu yếu rất lớn.
Chúng ta cũng có một cái nhu yếu lớn khác nữa, đó là thương yêu lớn. Tình thương đem lại hạnh phúc, càng thương nhiều càng hạnh phúc nhiều.

TS.Nhất Hạnh

Không có nhận xét nào: